Bảo Lâm duyên kỳ ngộ
Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh, nơi có dòng sông Gâm trong xanh làm say đắm bao tâm hồn lữ khách. Với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, mảnh đất đầy sự kỳ vĩ, thơ mộng này là một trong những viên ngọc quý miền biên viễn.
Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới phía Tây Nam của tỉnh, nơi có dòng sông Gâm trong xanh làm say đắm bao tâm hồn lữ khách. Với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc, mảnh đất đầy sự kỳ vĩ, thơ mộng này là một trong những viên ngọc quý miền biên viễn.
Cách trung tâm Thành phố 173 km theo Quốc lộ 34, huyện Bảo Lâm có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Phía Đông giáp huyện Bảo Lạc; phía Tây Nam giáp huyện Bắc Mê, Yên Minh, Mèo Vạc (Hà Giang); phía Nam giáp huyện Ba Bể (Bắc Kạn) và huyện Na Hang (Tuyên Quang); phía Bắc giáp Trung Quốc. Huyện có tổng diện tích tự nhiên 91.206,4 ha với 12 xã và 1 thị trấn, dân số trên 65.700 người.
Nằm trên tuyến du lịch Đông Bắc (Quốc lộ 34, 4A), Bảo Lâm được đánh giá là nơi có điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các chương trình du lịch liên tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Hiện nay, Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đang phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) tổ chức khảo sát, đánh giá xây dựng con đường du lịch trải nghiệm số 5 kết nối 2 công viên địa chất toàn cầu qua huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời của huyện được kiến tạo bởi sông Gâm và sông Nho Quế. Đây là nguồn tài nguyên quý mà không phải nơi nào cũng có được. Lênh đênh trên con thuyền khám phá dòng sông, du khách sẽ được thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc của miền biên viễn. Non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình tạo nên vẻ đẹp nên thơ, khoáng đạt hiếm có.
Bảo Lâm có một phần giáp với đỉnh núi Phja Dạ cao gần 2.000 m so với mặt nước biển thuộc địa bàn xã Thái Sơn. Trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ, vào mùa đông thường xuất hiện băng giá phủ trắng ngọn cây, bờ cỏ khiến du khách ngỡ như lạc bước giữa trời Âu. Dưới chân núi là những nếp nhà nhỏ bé, bình yên của đồng bào Mông, Dao. Khám phá đồi cỏ Phjêng Mường, xã Quảng Lâm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng màu xanh ngút ngàn của thảm cỏ giữa không gian trời mây rộng lớn, mà còn có thể ngắm nhìn dòng sông mềm mại ôm lấy rừng núi nhấp nhô ở phía xa.